Friday, January 10, 2014

Sở Phòng Vệ Duyên Hải/QLVNCH

Sở Phòng Vệ Duyên Hải/QLVNCH

I. Phần Mở Đầu
Cuộc chiến tranh tại Việt Nam giữa hai khối Quốc Gia và Cộng Sản diễn ra dưới nhiều hình thái trong đó đôi bên tìm đủ mọi cách để chiếm lợi thế và loại đối thủ ra ngoài vòng chiến. Nhiều sách báo và phim ảnh đã phân tích tỉ mỉ và tường thuật rất rõ ràng về những trận đánh nổi tiếng như Tết Mậu Thân, Hạ Lào, Quảng Trị, Kontum, An Lộc v.v... trong đó quân số đôi bên tham chiến lên tới nhiều sư đoàn. Tuy nhiên, ngoài mặt "nổi" hay chiến tranh qui ước nêu trên được nhiều người biết đến, còn có mặt "chìm" hay chiến tranh đặc biệt ít được phổ biến.

Nói tới chiến tranh đặc biệt, ngay kẻ trong cuộc cũng chỉ biết được phần nhiệm của mình, còn người bên ngoài lại càng không rõ, ngoài cái tên Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB). Nhìn chung, LLĐB gồm nhiều quân binh chủng thuộc QLVNCH, đôi khi có cả dân sự, có nhiệm vụ xâm nhập hậu phương hay vùng địch kiểm soát bằng những toán nhỏ để thu thập tin tức tình báo, phá hoại, bắt cóc hay tuyên truyền. Vì những cuộc hành quân "trong bóng tối" này rất nguy hiểm nên đại đa số nhân viên thuộc LLĐB đều là người tình nguyện. Chúng ta thường nghe nhắc đến những toán Lôi Hổ, Delta, Biệt Cách Dù v.v... thuộc Bộ Binh hoặc Phi Đoàn 219 của Không Quân, còn riêng về Hải Quân, ngoài lực lượng Biệt Hải, phần còn lại vẫn còn bao trùm trong màn bí mật.

Trong mỗi cuộc hành quân đặc biệt xâm nhập hậu tuyến địch, nhất là tại những vùng "ngoại biên" (ngoài lãnh thổ VNCH) như Bắc Việt, Lào, Cam Bốt, lực lượng tham dự thường chia làm hai thành phần: toán hành động, thường được gọi tắt là "toán" (team) có nhiệm vụ "đổ bộ" để thi hành công tác được trao phó và toán yểm trợ chịu trách nhiệm chuyên chở, đổ và bốc toán hành động cũng như yểm trợ hỏa lực khi cần. Các toán Bộ Binh vì không có phương tiện chuyên chở và yểm trợ cơ hữu như phi cơ hay tầu bè và nên chỉ có thể đảm nhiệm công tác hành động. Ngược lại, Không Quân vì không có toán hành động riêng nên chỉ có thể thi hành công tác chuyên chở và yểm trợ. Riêng Hải Quân là quân chủng duy nhất có thể tự đảm trách những cuộc hành quân đặc biệt vì trong tổ chức đã có đủ hai thành phần quan yếu nói trên.

Ngoài ra, trong khi những cuộc hành quân đặc biệt do Phi Đoàn 219 và các toán Lôi Hổ, Delta v.v... chịu trách nhiệm phần lớn chỉ xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam, Lào hay Cam Bốt, còn các vụ xâm nhập lãnh thổ Bắc Việt về sau này hầu như hoàn toàn do Hải Quân VNCH tự đảm trách bằng những đơn vị cơ hữu. Thành phần hành động của Hải Quân là Lực Lượng Biệt Hải, còn đơn vị yểm trợ và chuyên chở được gọi là Lực Lượng Hải Tuần (LLHT). Về phương diện hành quân, LLHT là đơn vị duy nhất thuộc LLĐB có thể tự thi hành một số công tác đặc biệt tại Bắc Việt như pháo kích các mục tiêu trên bờ, bắt giữ các ngư phủ để khai thác tin tức tình báo, thả truyền đơn v.v... mà không cần sự trợ giúp của các lực lượng khác. Cả hai Lực Lượng Hải Tuần và Biệt Hải nằm dưới quyền chỉ huy của Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVZH).

Trước khi tìm hiểu thêm về mặt tổ chức cũng như những hoạt động của SPVZH, tưởng cũng nên minh xác đôi điều để tránh mọi hiểu lầm đáng tiếc. Bài viết này căn cứ phần lớn vào những điều chúng tôi biết và còn nhớ qua 5 năm liên tiếp đảm nhiệm chức vụ Hạm Phó cũng như Hạm Trưởng nhiều khinh tốc đĩnh (PTF - Patrol Torpedo Fast) thuộc LLHT và đã tham dự trên 100 chuyến công tác đủ loại tại hải phận Bắc Việt từ năm 1965 đến 1970. Một số biến cố xảy ra trước và sau khoảng thời gian này chúng tôi chỉ được nghe kể lại hoặc thâu thập được trong những cuộc phỏng vấn những người trong cuộc mới đây. Vì vậy, dù cố gắng trình bày sự thật khách quan, nhưng thời gian thế nào cũng làm trí nhớ mai một phần nào, nên không sao tránh khỏi sai sót, mong những vị "biết chuyện", nhất là các bạn đồng đội cũ vui lòng đóng góp ý kiến và bổ khuyết để trang Hải Sử về LLHT được thêm phần trung thực. Chúng tôi cũng minh xác chỉ muốn trình bày sự thật, không hề có ý phê bình hoặc chỉ trích bất cứ ai, đặc biệt với những người chúng tôi hằng mến mộ và kính phục là các tác giả Việt - Mỹ đã bỏ công lao nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và viết về SPVZH và LLHT. Trân trọng cám ơn.

Vì SPVZH là một đơn vị thuộc LLĐB, tưởng cũng nên duyệt qua phần nhân sự cũng như tổ chức của lực lượng này để việc theo dõi được mạch lạc và dễ hiểu hơn.

II. Sơ Lược Về Các Tổ Chức

Xâm Nhập Miền Bắc
Ngay sau khi hiệp định đình chiến Genève phân chia hai miền Nam - Bắc Việt Nam vừa được ký kết vào năm 1954, Giám Đốc Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) là ông Allen Dulles đã chỉ thị Đại Tá Không Quân Edward Lansdale sang Việt Nam để hỗ trợ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm củng cố Miền Nam cũng như tổ chức những cơ sở bán quân sự nằm vùng tại Bắc Việt trước khi Cộng Sản (CS) kiểm soát. Đại Tá Lansdale lúc đó đang đảm nhiệm chức vụ Phó Giám Đốc Phòng Hành Quân Đặc Biệt thuộc Bộ Quốc Phòng do Thiếu Tướng Graves Erskine làm Giám Đốc. Sở trường của ông là điều hành những hoạt động phản du kích "mật" trong bóng tối, trước đây đã giúp Tổng Thống Phi Luật Tân Magsaysay của Phi Luật Tân thành công trong việc tiêu diệt loạn quân CS Huk trong khoảng giữa thập niên 1950. Tổ chức của Đại Tá Lansdale tại Việt Nam được gọi là Phái Bộ Quân Sự Sài Gòn (Saigon Military Mission), trong đó còn có một chuyên viên điệp báo là Thiếu Tá Bộ Binh Lucien Conein, người sau này nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong những cuộc chính biến dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Ngay trước khi miền Bắc được trao cho CS, nhiều nhân viên dân sự người Việt do Đại Tá Lansdale tuyển mộ, đa số thuộc sắc tộc Nùng sinh trưởng tại vùng Móng Cái gần Hải Phòng và biên giới Hoa - Việt, đã được gửi sang đảo Saipan để huấn luyện về kỹ thuật xâm nhập, nằm vùng và phá hoại. Khi Việt Nam chính thức bị chia đôi, họ đã được huấn luyện thuần thục và chia thành từng toán nhỏ, sau đó được các chiến hạm Hoa Kỳ thuộc Đệ Thất Hạm Đội đổ bộ vào khu vực bờ biển gần nguyên quán. Những nhân viên này được lệnh trà trộn với thân nhân, "nằm yên" không hoạt động gì cả cho tới khi nhận được chỉ thị. Vũ khí, máy truyền tin và vàng đã được dấu sẵn trước tại những địa điểm bí mật để phòng khi cần tới. Một trong những "điệp viên chìm" trong thời gian này là Phạm Xuân Ẩn, nhưng Đại tá Lansdale không biết hắn là một tên VC nằm vùng được cài vào tổ chức của mình.

Về phần Nam Việt Nam, sau khi tình hình tương đối ổn định, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng tổ chức riêng những cơ quan tình báo đặc biệt trực thuộc Phủ Tổng Thống do Bác Sĩ Trần Kim Tuyến người Huế đứng đầu. Một trong những bộ phận dưới quyền Bác Sĩ Tuyến, chuyên đảm nhiệm các hoạt động Biệt Kích là Sở Liên Lạc do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy, Đại Tá Trần Khắc Kinh phụ tá. Người lo việc tuyển mộ nhân viên cho Sở Liên Lạc là Đại Úy Lê Quang Triệu, em ruột của Đại Tá Lê Quang Tung, lúc đó còn đảm nhiệm chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ. Ngoài ra, ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn cũng có những tổ chức điệp báo riêng biệt tại Miền Trung.
Sở Liên Lạc chia thành 3 bộ phận chính, đó là Sở Bắc, Sở Nam và Liên Đội Quan Sát.

1. Sở Bắc
Sở Bắc còn được gọi là Phòng 45 do Đại Úy Bộ Binh Ngô Thế Linh (sau này được thăng đến cấp Đại Tá), bí danh là "Bình" điều khiển. Tuy được mệnh danh là Sở Bắc nhưng cơ quan này không những chỉ đảm nhiệm các hoạt động Biệt Kich ở Bắc Việt, mà còn tổ chức những cuộc hành quân mật trên đất Lào và Cam Bốt. Tóm lại, Sở Bắc chịu trách nhiệm về những hoạt động Biệt Kích bên ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

2. Sở Nam
Sở Nam hay Phòng 55 do Đại Úy Bộ Binh Trần Văn Minh chỉ huy, chịu trách nhiệm về những hoạt động Biệt Kích trong lãnh thổ VNCH.

3. Liên Đội 1 Quan Sát
Ngoài hai Sở Nam và Bắc, Sở Liên Lạc còn có một cơ cấu đặc biệt ít người biết đến, đó là Liên Đội Quan Sát 1 được thành lập vào năm 1956 với sự trợ giúp của Ngũ Giác Đài và CIA Hoa Kỳ.
Bề ngoài, Liên Đội chỉ là một tổ chức thông thường với một số nhân viên trực thuộc về mặt hành chánh, nhưng mọi công tác đều do Sở Liên Lạc điều động. Những nhân viên của Liên Đội được đặc biệt huấn luyện để thi hành các công tác "nằm vùng" ngay tại Miền Nam trong trường hợp nơi này bị rơi vào tay CS sau cuộc Tổng Tuyển Cử theo tinh thần hiệp định Genève. Mãi cho tới năm 1958 dù cuộc tuyển cử đã bị hủy bỏ, các toán công tác thuộc Liên Đội vẫn còn thực hiện những vụ chôn giấu vũ khí, chất nổ, máy truyền tin, vàng v. III. Các Đường Xâm Nhập
Tới năm 1958, khi tình hình miền Nam đã tương đối ổn định, Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới chính thức yêu cầu Hoa Kỳ trợ giúp để thực hiện những hoạt động Biệt Kích tại Bắc Việt. Vì vậy, khi ông Wìlliams Colby thuộc CIA được cử đến Sài Gòn vào ngày 1 tháng giêng năm 1959 để sắp đặt các cơ sở cần thiết, những hoạt động Biệt Kích phối hợp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mới được chính thức bắt đầu. Nhìn chung các hoạt động xâm nhập Miền Bắc gồm 2 ngả chính là đường hàng không và đường biển.

1. Xâm Nhập Bằng Đường Hàng Không
Về đường hàng không, thoạt tiên, CIA mướn một số phi công thuộc công ty Hàng Không Trung Hoa (China Air Lines - CAL) ở Đài Bắc để huấn luyện những phi công Việt Nam. Sau này, Phi Đoàn Vận Tải của Không Quân Việt Nam do Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ làm Phi Đoàn Trưởng kiêm luôn những chuyến bay thả dù đặc biệt ngoài Bắc.
Chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào ngày 27 tháng 5 năm 1961 do chính Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ là phi công chính của chiếc phi cơ C-47. Bốn nhân viên của toán Caster được thả dù xuống một vùng rừng núi thuộc tỉnh Sơn La. Họ đều là người Nùng gốc Sơn La, nguyên là quân nhân thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh, một đơn vị có đa số quân nhân thuộc gốc người thiểu số miền Bắc di chuyển vào miền Nam. Toán Caster được đặt dưới quyền điều động của Sở Khai Thác Địa Hình thuộc Phòng 45 tức là Sở Bắc. Trưởng toán Caster tên là Hà Văn Chấp. Sau khi hoàn tất công tác thả toán, phi cơ của Trung Tá Kỳ rời khỏi Bắc Việt an toàn bằng ngả không phận Lào.

2. Xâm Nhập Bằng Đường Biển
Các hoạt động xâm nhập Bắc Việt bằng đường biển đã được khởi sự rất sớm, chỉ vài năm sau khi chia đôi đất nước. Những vụ xâm nhập bắt đầu vào năm 1956 khi Sở Liên Lạc cần một số ghe gỗ để chở nhân viên tăng cường cũng như tiếp tế vật liệu cho những toán "nằm vùng" ngoài Bắc bằng đường biển.

Lúc đầu, chỉ có 6 nhân viên dân sự nguyên quán tỉnh Quảng Bình di cư được tuyển mộ tại Nha Trang để gia nhập lực lượng "biển" mới được thành lập này. Công tác bao gồm những chuyến đi ngắn chừng một vài ngày xâm nhập hải phận miền Bắc bằng những ghe nhỏ giống như ghe đánh cá ngoài Bắc để dễ trà trộn. Sau đó, vì nhu cầu công tác ngày một gia tăng, lực lượng xâm nhập "biển" tuyển mộ thêm nhiều nhân viên và trang bị thêm ghe lớn hơn. Lực lượng gồm toàn nhân viên dân sự này là một thành phần của Sở Bắc dưới quyền điều động của "ông Bình", có thể được coi là tiền thân của SPVZH và LLHT sau này.
Tuy những chuyến tiếp tế và liên lạc bằng đường biển vẫn tiếp tục, nhưng mãi đến tháng 2 năm 1961, cơ quan mật vụ của Bác Sĩ Trần Quang Tuyến với sự trợ giúp cùa CIA Hoa Kỳ mới cho đổ bộ 2 điệp viên thực sự lên bờ biển Quảng Yên. Hai điệp viên này, một người gốc miền Nam, người thứ hai gốc miền Bắc tên là Phạm Chuyên lên bờ an toàn. Chuyên nguyên là một cán bộ trung cấp VC hồi chánh bằng cách vượt vĩ tuyến 17 vào năm 1959. Bí danh hoạt động của Chuyên là Ares. Sau này, có bằng cớ cho thấy Ares là một điệp viên nhị trùng.

3. Ghe Nautilus
Sau cuộc đổ bộ điệp viên này, các ghe dùng để xâm nhập hải phận Miền Bắc đều được đặt bí danh "Nautilus", lấy tên chiếc Tiềm Thủy Đĩnh bí mật của Hạm Trường Nemo trong cuốn truyện khoa học già tưởng "20,000 Dậm Dưới Đáy Biển" của văn hào Jules Verne. Các chuyến công tác cũng được gọi là Nautilus. Trong giai đoạn này, các chuyến xâm nhập bằng đường biển đều thành công tương đối dễ dàng.
Đến lúc này, các công tác Nautilus đều do CIA điều hành. Thủy thủ đoàn Nautilus vẫn hoàn toàn là các nhân viên dân sự do CIA tuyển mộ, nhưng cũng đã có một số người nhái thuộc Hải Quân Việt Nam được CIA đặc biệt huấn luyện để thi hành những công tác phá hoại bằng chất nổ. Những người nhái này đa số thuộc toán 18 quân nhân được gửi đi thụ huấn khóa huấn luyện đặc biệt tại Đài Loan vào tháng 8 năm 1960.
v... để chuẩn bị cho những công tác "nằm vùng" khi cần.

IV. Thay Đổi Hệ Thống Chỉ Huy
Ban đầu, một số công tác Nautilus xâm nhập bằng đường biển đạt được kết quả khả quan vì địch chưa kịp đề phòng cũng như ứng phó. Nhưng càng về sau, hiệu năng càng giảm sút vì địch gia tăng lực lượng duyên phòng cũng như bị phản nên nhiều chuyến công tác bằng ghe đã thất bại vì bị lộ.

Việc dùng ghe chỉ được lợi điểm có thể trà trộn với các thuyền đánh cá địa phương, nhưng nhờ khai thác tin tức từ các thủy thủ đoàn bị bắt, địch đã biết khá rành rẽ về đường đi nước bước của các chuyến xâm nhập nên cũng khó lòng lẩn tránh. Hơn nữa, các ghe Nautilus đều có vận tốc chậm và hỏa lực yếu nên không thể tự vệ khi bị phát hiện và săn đuổi.

Vì những lý do trên, Đô Đốc Harry G. Felt, Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (CINPAC - Commander In Chief, Pacific) cho rằng những tổ chức mật vụ của CIA không đủ khả năng để hoàn thành sứ mạng xâm nhập. Ông đề nghị dùng các phương tiện của Hải Quân Hoa Kỳ, trong đó có cả việc dùng tiềm thủy đĩnh thay thế cho các ghe Nautilus. Vào khoảng tháng 7-62, Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara triệu tập một buổi họp giữa Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao và CIA để tìm giải pháp. Mọi người đồng ý chuyển giao phần điều hành các hoạt động biệt kích xâm nhập Bắc Việt từ CIA qua Bộ Quốc Phòng. Việc chuyển giao sẽ được hoàn tất trong vòng một năm dưới kế hoạch mang bí danh Switchback. Tới tháng 12 năm 1962, Toán Đặc Biệt (Special Group) thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Council) cũng chấp thuận đề nghị của Đô Đốc Felt trước đây về việc xử dụng khinh tốc đĩnh và người nhái để đảm nhiệm những công tác đổ người lên miền Bắc. Tuy nhiên lúc đó cả tầu lẫn người nhái đều chưa có.

Kế hoạch Switchback chính thức khởi đầu vào ngày 1 tháng giêng năm 1963. Từ đó, Bộ Tư Lệnh Quân Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn (MACV - Military Assistance Command Vietnam) chính thức thay thế CIA đảm nhiệm các công tác dọc theo biên giới lúc bấy giờ đang do nhân viên CIA Gilbert Layton chỉ huy. Đại Tá Geoge Morton thay thế Layton, thành lập Toán C Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB), đặt bản doanh tại Nha Trang với Layton ở lại làm phụ tá. Riêng các hoạt động ngoài Bắc, tuy do MACV điều động nhưng nhân viên CIA W.T Chenney vẫn chịu trách nhiệm. Tháng 4 năm 1963, một trung tâm huấn luyện LLĐB cũng được thiết lập tại Long Thành để huấn luyện các toán sẽ được thả ra ngoài Bắc trong khi CIA chuẩn bị bàn giao các hoạt động xâm nhập miền Bắc cho các giới chức quân sự.

Trần Đổ Cẫm
http://biethai.blogspot.com/




No comments:

Post a Comment